CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM - CHI ĐOÀN 11A

Ý Nghĩa Cuộc Sống!!

 Những Điều Quan Trọng Của Cuộc Sống


Điều quan trọng không phải là bạn làm nghề gì để sống, mà công việc đó có phải là niềm đam mê của bạn hay không.
Điều quan trọng không phải là bạn có những ước mơ cao đẹp đến thế nào, mà chính là bạn có dám thực hiện những ước mơ đó để thỏa khao khát của mình hay không.
Điều quan trọng chẳng phải là tuổi tác, mà là sức sống trong con người bạn, là sự can đảm chấp nhận thử thách, dám dấn thân vào những chuyến phiêu lưu trong hành trình vô tận của cuộc sống.
Điều quan trọng không phải là cuộc sống của bạn luôn luôn bằng phẳng, rằng bạn chưa bao giờ phải nếm trải nỗi đau, mà chính là tinh thần bất khuất, là con tim ngoan cường không chịu đầu hàng nghịch cảnh của bạn. Liệu bạn sẽ đối mặt với những khó khăn, thử thách của mình như thế nào? Liệu bạn có dám dấn thân, thử sức mình thêm một lần sau khi thất bại, hay lại run rẩy, thu mình lại vì sợ sẽ lại bị tổn thương? Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào bạn, vào bản lĩnh của bạn, và đó mới chính là điều quan trọng của cuộc sống.
Điều quan trọng không phải là bạn đặt ra cho mình bao nhiêu quy tắc sống, cũng không phải bạn đã tuân theo chúng nghiêm chỉnh như thế nào, mà chính là thái độ của bạn với cuộc sống. Liệu bạn có dám yêu hết lòng, có dám thể hiện cảm xúc một cách tự nhiên thay vì kìm nén chúng vì những chuẩn mực nào đó mà mình đã đặt ra?
Điều quan trọng không phải bạn là người cứng rắn đến thế nào, cũng không phải việc bạn chưa từng để người khác thấy những giọt nước mắt yếu đuối của mình, mà chính là khả năng vững vàng khi bị mọi người buộc tội chỉ vì đã dám sống thật với lòng mình; và chính là sự tự tin ngay cả khi không ai trao niềm tin nơi bạn.
Điều quan trọng không phải bạn là người xinh đẹp ra sao, không phải bạn sở hữu một làn da trắng ngần, một vóc dáng đáng mơ ước, mà chính là tâm hồn của bạn có thật sự nhạy cảm với nỗi đau đồng loại, có nhận ra vẻ đẹp cuộc sống, có biết tận hưởng từng ngày mà mình đang may mắn có được.
Điều quan trọng không phải là số của cải bạn đang sở hữu, cũng không nằm ở ngôi nhà lộng lẫy, chiếc xe sang trọng… mà chính là việc những vật chất đó có thực sự làm cho bạn hạnh phúc, có là phương tiện giúp bạn đạt đến mục đích cao đẹp của mình, hay là ông chủ mà suốt đời bạn phụ thuộc, tôn thờ?
Điều quan trọng không nằm ở việc bạn bè của bạn có quyền cao chức trọng không, mà chính là tình cảm họ dành cho bạn, là lòng sẵn sàng sát cánh cùng bạn trong hoàn cảnh khó khăn.
Điều quan trọng không phải là bạn có bao nhiêu tấm bằng danh giá trong tay, không phải bạn đã học được những gì, với ai và ở nơi đâu, mà chính là cách bạn vận dụng chúng trong cuộc sống này, và ở việc chúng có thể giúp bạn vững vàng hơn, trưởng thành hơn hay không.
~ Thanh Phương
Theo The Invitation
Trích Hạt giống tâm hồn 7 – Những câu chuyện cuộc sống

7 Điều Nên Biết Về Cuộc Sống


Một tách cà phê sữa cho buổi sáng đầu năm thật ngọt ngào, thơm nồng và đắng đậm đà. Cùng cảm nhận 7 điều cơ bản trong cuộc sống để bắt đầu một năm mới đầy niềm vui.
1. Đối với các mối quan hệ giữa người với người, không khó để biết được mối quan hệ nào cần giữ, mối quan hệ nào cần bỏ đi, không quan tâm nữa.
Những người thật sự tôn trọng, quan tâm đến bạn, dù bạn có thế nào thì họ vẫn nhìn ra và nói cho bạn nghe ưu điểm của bạn. Quan trọng là, họ không bỏ rơi bạn kể cả khi bạn nghĩ sẽ không còn ai ở bên cạnh mình.
Những người chỉ vì một mục đích nào đó mà ở bên bạn một-cách-chịu-đựng, họ sẽ luôn ngọt ngào khi bạn vui. Nhưng khi bạn buồn, họ cũng có thể ném thêm cho bạn những con dao để bạn bị tổn thương nhiều hơn.
Loại thứ 2, nên bỏ, bỏ ngoài tai, bỏ ngoài tầm mắt… nếu có thể thì bỏ luôn ra khỏi cuộc sống của bạn. Loại thứ nhất, không cần nói nhiều, trân trọng những mối quan hệ như thế, sẽ chẳng bao giờ bạn phải buồn đâu.
2. Cơ hội! Là thứ có thể…
Lúc cần, lúc đào bới thì không bao giờ xuất hiện, không thèm đếm xỉa đến sự chờ mong.
Lúc muốn buông xuôi, lúc nhìn nhận rằng thật mệt mỏi khi đuổi bắt cơ hội… thì nó lại quay về, lại đến, lại ào ào…
Khi ấy, quan trọng là bạn có biết nắm bắt cơ hội phù hợp với mình hay không!
Còn trẻ, cứ ào vào cơ hội, có là nắm, nắm rồi mà thấy không hợp – đau tay – đau tim – đau đầu thì thả ra cho người khác nắm. Khi đã đủ trưởng thành, đã cần một con đường chính thống mà bước đi thì sống chết cũng phải nắm lấy cơ hội đã lựa chọn và không được phép hối hận!
3. Biết điều – đôi lúc tốt và cũng có khi không tốt. Người biết điều là người nghĩ trước nghĩ sau, nhưng chưa chắc đối phương đã nghĩ được như vậy. Biết điều, là khi ta nhẫn nhịn những cơn tức giận vô cớ của người ta quen. Nhưng sau đó, người ấy sẽ coi thường ta, nghĩ ta dễ dàng bắt nạt.
Biết điều, là khi ta biết làm gì đó ta không có lợi, nhưng vì biết điều, vì nể mối quan hệ giữa người với người nên cứ làm. Rốt cuộc cũng phải ân hận.
4. Một người bản chất nóng nảy, thích chỉ trích người khác thì nếu càng được nhường nhịn, sẽ càng lún sâu. Đừng nhường nhịn họ những điều vô cớ, hãy cứ để họ chỉ trích hay nổi nóng, nhưng sau đó nói cho họ hiểu. Còn sau khi nói mà vẫn nổi nóng và tiếp tục chỉ trích, bỏ rơi họ đi, điều đó sẽ khiến họ phải suy nghĩ.
5. “Những gì mình làm cho người khác chưa hẳn đã là chuyện tốt và những gì mình nhận được từ người khác không hẳn là xấu.”Xét cho cùng, chẳng ai trong chúng ta đủ tỉnh táo để xác định được đúng câu nói trên, đơn giản vì cứ thấy không thoải mái, không hài lòng thì đều cho là xấu. Còn ngọt ngào và dễ nghe, dù có không như thế đi chăng nữa cũng cảm thấy đó là chuyện tốt.
Người t a lừa mình, nhưng rồi chính bản thân mình cũng lừa mình.
6. Ta không dễ dàng tha thứ cho người đã từng gây tổn thương, khiến ta bất hạnh. Nhưng ta nên cố gắng để làm được điều đó. Ví như, khi ta gửi trao tình cảm của mình cho một ai đó, nhưng rồi ta chỉ được nhận lại sự đau lòng. Điều đó cũng chẳng có gì đáng làm ta phải buồn, phải hận. Những người sống chân thành nhiều khi phải nhận những vết thương như vậy. Biết đâu, đó lại là điều tốt, giúp ta có thể vượt qua được những chuyện khó khăn khác trong cuộc sống.
7. Một tách cà phê sữa cho buổi sáng đầu năm thật ngọt ngào, thơm nồng và đắng đậm đà.
Biết tận hưởng, biết thưởng thức. Nhưng cũng đừng quên nhắc nhở mình phải can đảm vượt qua mọi trở ngại. Giống như nếu không thể chấp nhận vị đắng của cà phê thì làm sao mà có thể uống được một tách cà phê sữa thơm ngon, đủ vị chứ? Phải không?
GreenStar
Nguồn Mực Tím

Hạnh Phúc ở Quanh Ta


Hạnh phúc chính là không có mặt sự bất như ý, và chính điều này quyết định cho hạnh phúc có mặt, chứ không phải là các giá trị bên ngoài. Cho nên bằng chính sự lớn mạnh của tinh thần, thì chúng ta dễ dàng làm chủ được mọi vấn đề liên quan đến khổ đau và hạnh phúc.
Trong mỗi con người chúng ta, ai cũng có một trữ lượng hạnh phúc rất lớn, cho dù chúng ta rơi vào hoàn cảnh nào thì nó cũng không mất đi. Nhưng vì chúng ta không biết cách nhận diện được hạnh phúc, nên chúng ta phải chịu đau khổ hoài.
Vậy hạnh phúc của mỗi người là có ngay đây, nếu như chúng ta nhận diện được nó. Điều đó cũng giống như đức Phật đã kể một câu chuyện trong Kinh Pháp Hoa rằng, có một gã Cùng Tử lang thang phiêu bạt giang hồ sống trong hoàn cảnh nghèo khó, mà không biết trong túi áo của mình có một viên ngọc quý vô giá. Và một ngày kia khi gã Cùng Tử đã tìm thấy viên ngọc quý giá của mình rồi, thì liền trở thành ông Trưởng Giả giàu sang huy hoàng.
Và chúng ta cũng vậy, vấn đề là phải có phương pháp để giúp chúng ta nhận diện được hạnh phúc của mình, để chúng ta thấy rằng cuộc đời này tươi đẹp và có ý nghĩa biết bao. Do đó, hạnh phúc hay đau khổ đều nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta, và chúng ta hãy bước tới đón nhận hạnh phúc của mình đi.
 Vậy hạnh phúc là gì?
Hạnh phúc chính là không có mặt sự bất như ý, và chính điều này quyết định cho hạnh phúc có mặt, chứ không phải là các giá trị bên ngoài. Cho nên bằng chính sự lớn mạnh của tinh thần, thì chúng ta dễ dàng làm chủ được mọi vấn đề liên quan đến khổ đau và hạnh phúc.
Vì hạnh phúc có nguồn gốc từ khổ đau, và khổ đau lại có nguồn gốc từ sự sung sướng của thể xác. Hay nói khác hơn khi chúng ta hưởng thụ đời sống dục lạc, thì kế tiếp đó nó sẽ làm cho chúng ta khổ đau. Và chính khổ đau lại làm nên chất liệu cho hạnh phúc.
Và nó giống như tre lá trên rừng, mà người thợ làm nhà khéo léo đã biết dùng nó, để tạo ra ngôi nhà hạnh phúc ấm cúng cho mình. Vì thế chúng ta phải cần nhẫn nại và khéo léo, để chế tác những đau khổ của mình, trở thành nguồn hạnh phúc hỷ lạc cho cuộc đời. Và thông qua đó, thì chúng ta cũng thấy được cuộc đời này xinh đẹp, và ly kỳ hấp dẫn làm sao.
Vậy khi nói tới hạnh phúc có sẳn trong ta, thì đồng thời chúng ta cũng biết ngay rằng khổ đau cũng sẽ có mặt ở đó. Vì vấn đề ở đây đang bàn là niềm hạnh phúc đời thường tục đế mà thôi, chứ không phải là cái hạnh phúc vĩnh lạc niết bàn.
Cho nên đau khổ và hạnh phúc cũng có hai.
Đó là khi chúng ta nhận thức nó trên hai bình diện khác nhau. Thứ nhất là do hoàn cảnh sống, và thứ hai là do chính trong dòng suy nghĩ bất tận của mình. Vì chúng ta thường hay “đổ thừa hoàn cảnh” tác ý bên ngoài, từ tình yêu cho đến vật chất đã làm chúng ta vui buồn sướng khổ. Cũng như là chúng ta thường suy nghĩ quá nhiều như là bị bệnh vậy.
Do đó đối với người giác ngộ thì họ sẽ biết rõ cái đau khổ thứ nhất, là có nguồn gốc từ cái đau khổ thứ hai. Nhưng với đa số người thường thì cứ nghĩ mình đau khổ, là do hoàn cảnh đưa đẩy mà thôi. Vì cái đau khổ do hoàn cảnh sinh ra là có hình tướng đời sống, gắn liền với các nhu cầu về vật chất, sở thích và tình cảm chủ quan yêu ghét của ta. Và nó luôn có tác động vào tinh thần chúng ta, theo hai ngã vui, buồn, hỷ, nộ, ái, ố lung tung.
Và khi cuộc sống này dù có đầy đủ đến đâu đi nữa, nhưng chúng ta sống thiếu tình thương, và sự thông cảm và hiểu biết lẫn nhau thì cũng là bất hạnh. Vì khi bạn đóng cánh cửa lòng lại rồi, thì có biết gì đâu là gió mát trăng thanh thản nhiên vui thú bên đời. Nhưng ngặt nỗi tấm lòng con người, thì luôn trái ngược với số lượng vật chất mà nó sở hữu. Vì khi bạn “có” là khi bạn phải bận tâm giữ nó mệt muốn chết luôn.
Do đó đối với đa số người thường đều lầm tưởng rằng, đau khổ của cuộc đời này đều do hoàn cảnh sống gây ra cả. Và đó chính là sai lầm lớn nhất, khi chúng ta mãi đi loanh quanh trên vũng lầy của chính cuộc đời mình. Vì sự thật là đau khổ bắt nguồn từ tinh thần của mình ra thôi. Vì bạn phải “tận nhân lực, thì sẽ tri thiên mệnh”. Có nghĩa là nếu bạn giải quyết được khó khăn của tinh thần mình, thì bạn sẽ thay đổi được khó khăn của hoàn cảnh sống. Tuy nhiên vấn đề cũng có thể là ngược lại.
Do đó tất cả người đời trong nhân gian đều đau khổ, vì tiền, tình, tù, tử, danh lợi, và sắc dục. Vì chúng ta “cảm tưởng” về các nhu cầu đó quá lớn, vượt ngoài cả nhu cầu sinh học của bản thân chúng ta, nên chúng ta sẽ luôn sa lầy vào nó là đương nhiên. Và cái “cảm tưởng” đó là tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến mà ra thành mù quáng, thì sẽ khổ chết luôn.
Vậy hãy cố gắng nhận diện ra cái đau khổ, chính trong tinh thần mình như một căn bệnh vậy. Và chúng ta phải lần mò mà tạo ra tâm dược, để tự chữa bệnh cho mình, từ chất liệu là đau khổ đó. Và khi phương thuốc đó mà phát huy tác dụng rồi, thì chúng ta cứ làm tới luôn đi.
Cho nên trong cuộc đời bình thường nếu xét về hoàn cảnh sống, thì chúng ta cần học tập và lao động, vận hành theo những chuẫn mực của xã hội. Và thông qua đó chúng ta sẽ làm ra nhiều của cải vật chất, để chúng ta có một cuộc sống đầy đủ với chính khả năng của mình. Và chúng ta cũng phải biết đón nhận cuộc sống đó như vậy là hạnh phúc rồi.
Điều này không có nghĩa là bạn “bàn lui” không phấn đấu nữa. Nhưng khi bạn đã có được đời sống vật chất bên ngoài rồi, thì bạn hãy dành thời gian cho tâm hồn mình đi. Vì cái gọi là hạnh phúc do ngũ dục tạo ra là rất ngắn ngũi, so với cái hạnh phúc trong tình yêu sáng tạo của tinh thần.
Nhưng chúng ta phải công nhận rằng, cái hạnh phúc ngũ dục cũng cần thiết lắm. Vì rằng đâu phải tự nhiên mà có, mà chúng ta phải đấu tranh cả đời mới có được sự nghiệp này. Vì rằng chúng ta học tập và làm việc có khoa học, cũng như biết sinh hoạt điều độ gần gũi với thiên nhiên. Chúng ta phải biết bảo vệ sức khỏe của mình, và cũng biết vui chơi giải trí cho khoay khỏa đầu óc một chút. Chúng ta sống đừng tự dồn mình vào thế kẹt cứng, bởi suy nghĩ cực đoan là được rồi. Tuy nhiên chúng ta cũng phải cố gắng nhận diện ra, cái hạnh phúc đích thực trong cuộc sống đó là gì, thì chúng ta sống làm người sẽ không có gì nuối tiếc nữa.
Thật ra sự tìm kiếm hạnh phúc trong hoàn cảnh cuộc sống chỉ là tạm thời. Vì cuộc sống này luôn thay đổi mà, nên chúng ta phải liên tục đối phó với nó để sống như thế này đây. Và nếu như bạn chỉ “chiến đấu” với hoàn cảnh bên ngoài thôi, thì vẫn chưa đủ cho hạnh phúc của bạn đâu. Do đó không có con đường nào khác hơn, là bạn phải “chiến đấu” với chính nội tâm của mình nữa thì mới được.
Vậy đối diện với chính mình, thì cũng có nghĩa là chúng ta phải đối diện với đau khổ rồi. Và vì sao chúng ta đau khổ? Và nếu bạn trả lời được câu hỏi đó, là bạn đã biết cách chuyển hóa chất liệu đau khổ kia, trở thành hạnh phúc rồi đó.
Vì thế đau khổ là do chúng ta nhận thức sai lầm về sự vật, và hoàn cảnh sống của mình mà thôi. Vì hai cái đó cặp kè cùng với nhau làm nên hình thức cuộc sống này. Nhưng cả hai cái đó đều là vô thường. Vì thời gian và sự vật luôn cuộn vào nhau, như những cơn lốc cuốn phăng từng mãnh đời thật nghiệt ngã. Và do nó luôn thay đổi vô thường và mất đi, nên chúng ta mới khổ. Mà chúng ta cứ tưởng nó là thường còn, là chắc chắn, là có thật, nên khi nó mất đi thì chúng ta tuyệt vọng muốn chết theo nó luôn.
Và cũng với nhận thức như thế, thì chúng ta cũng không thể hiểu được cái dòng suy nghĩ bất tận của mình là gì cả. Nên chúng ta thấy nó mù mịt quá, và hoảng sợ hoang mang chả biết từ đâu ra. Rồi từ đó chúng ta cứ suy nghĩ hoài thành bệnh luôn. Và khi căn bệnh tinh thần này ập tới, thì chúng ta nhận thấy cuộc đời này vô nghĩa quá đi.
Do đó bạn phải làm sao nhận thấy, chính dòng suy nghĩ vô tận trong đầu mình, là nguồn gốc của hạnh phúc và đau khổ, thì từ đó bạn sẽ biết cách lựa chọn thái độ sống thích hợp để mình có hạnh phúc. Và nếu bạn nhận diện được hạnh phúc rồi, thì bạn sẽ thấy cuộc đời mình cũng hạnh phúc quá trời luôn.
Vậy cho nên bạn phải luyện tập làm sao, để tinh thần mình có khả năng co giãn đàn hồi cao nhất, thông qua bi kịch tất yếu của cuộc đời. Và khi đang nằm trong bi kịch rồi, thì bạn phải làm sao “bỏ xuống” cái tham vọng chiếm hữu của mình đi, thì bạn sẽ qua thôi. Và sau đó bạn sẽ nhận lấy phần thưởng xứng đáng của nó, chứ không có lỗ lã gì đâu.
Nhưng điều quan trọng, là bạn phải hướng nhận thức của mình vào con người, thì từ đó bạn sẽ có cách tháo gỡ khó khăn cho mình thôi. Vì bạn làm sao phải hiểu “cảm giác” của người khác nữa. Cho nên trong chuyện tình cảm thì không nên “cưỡng cầu” quá đáng, cho dù bạn đã dùng nhiều phương pháp phụ trợ về vật chất để đạt được nó, thì cũng không nên làm quá tay.
Vậy bạn hãy biết con người đến với nhau là đã có duyên, và nếu hết duyên thì phải chịu thôi. Và bạn biết như vậy không phải là để an ủi, mà là để hiểu rõ thực chất của vấn đề là như vậy đó. Và nếu điều đó đã làm bạn đau khổ, thì chính nó sẽ làm cho bạn trưởng thành hơn.
Nhưng để chuyễn hóa từ đau khổ thành hạnh phúc, thì không phải đơn giản chỉ bao nhiêu đó thôi đâu. Vì suy nghĩ vô minh trong con người chúng ta là vô tận, cho nên trong bất kỳ hoàn cảnh sống nào, thì bạn cũng phải cần dành thời gian để xem xét tinh thần mình. Và nếu bạn khó khăn, thì hãy tìm một vị thầy khai thị cho mình để được sáng tỏ hơn.
Và vì sao chúng ta đau khổ hoài không biết nữa? Là vì chúng ta luôn đi giữa hai cái giá trị thật và giả, một cách sai lầm mãi. Vì nếu bạn nhận ra cái sinh mệnh của mình là thật, thì tất cả những cái khác còn lại trên đời này đều là giả hết. Và từ đó bạn đã hiểu rằng sự “buông bỏ” của mình, là để cứu lấy cái sinh mệnh đau khổ của mình thôi, chứ không phải để làm cho nó thất vọng thêm. Vì vấn đề mất hay còn ở đây, là “ý chí chấp thủ” của chúng ta thôi, chứ không phải về vật chất. Và bạn bỏ đi “cái ý chí chấp thủ” đó đi thì mọi chuyện sẽ qua, mà khối vật chất kia thì vẫn còn đó chứ có mất đi đâu.
Khi bạn bỏ xuống “cái chấp thủ” đó thì bạn sẽ được tự do, và từ đây bạn đã tìm được ý nghĩa của cuộc đời này rồi, hơn cả sự hấp dẫn của khối vật chất kia luôn. Có nghĩa là cái đầu của bạn, sẽ không còn đưa bạn đi xa mãi ngoài thực tại này nữa. Vì khi bạn suy nghĩ giả, thì tất nhiên bạn đang sống giả. Còn bây giờ bạn suy nghĩ thật là nhìn thấy cái ở đây, thì bạn đã sống thật rồi. Cho nên bạn hãy vui mừng đón nhận nó, trong giây phút hiện tại đầy màu nhiệm này.
Vì thật sự cái gì thì bạn cũng phải biết về nó, thì nó mới có giá trị với bạn. Sở dĩ người điên họ đau khổ ngập tràn, là vì họ không biết gì cả. Hay như một đứa bé mà bạn đưa cho nó một cục vàng, và một cái bánh. Nhưng nó lại nhận cái bánh, và không biết cục vàng kia có giá trị gì, thì nó sẽ trở thành vô nghĩa. Và hạnh phúc cũng vậy, nó đang ở trong bạn mà bạn không thấy, thì tất nhiên thay vào đó chính là sự đau khổ rồi.
Do đó chúng ta có thể nói rằng, mọi vật chỉ có giá trị khi mình biết sử dụng hết cái giá trị của nó có. Hay nói khác hơn sự vật chỉ có giá trị khách quan, trong việc người ta sử dụng nó như thế nào. Vì cũng là cái đó nhưng nhiều người sẽ nhận thức và sử dụng nó khác nhau, thì nó cũng sẽ có những giá trị khác nhau tương ứng như thế.
Vì thế nếu bạn có một tinh thần mạnh mẽ vượt thoát khỏi lực hút của vật chất, thì bạn sẽ nắm được cái “bảng giá trị sử dụng” này cho riêng mình. Và trong cuộc sống vô thường luôn thay đổi hôm nay, thì bạn sẽ có thể rơi vào nhiều hoàn cảnh khác nhau. Nhưng bây giờ bạn đã có cái “bảng giá trị sử dụng” trong tay mình rồi, thì bạn hãy lấy nó ra sài cho phù hợp với mọi hoàn cảnh đó là xong.
Và thế là trong cuộc đời của bạn khi nhìn thấy cái gì cũng đẹp, và cũng có ý nghĩa hết. Vì thế bạn sẽ có hạnh phúc như là bạn hằng mơ ước đó.
Vậy chúng ta cần nhận thấy đau khổ cũng có giá trị của nó, nếu như mình biết dùng nó như những chất liệu để tạo ra hạnh phúc. Vì đau khổ có đôi khi lại xinh đẹp và kiêu hãnh như một bông hoa, nở ra âm thầm trong bóng tối. Do đó nó có thể vượt hơn những niềm vui tầm thường. Vì nó có công năng thanh lọc tinh thần rất kỳ diệu. Vậy đau khổ đích thực từ tâm, bao giờ nó cũng có giá trị hơn những niềm vui thắng thua nhỏ nhặt thường tình.
Vì thế bạn đừng lấy những niềm vui nhỏ bé tầm thường để xoa dịu khối đau khổ lớn, như là một giải pháp thường xuyên chính đáng, thì lại càng tạo nghiệp khổ đau thêm. Mà bạn hãy xem nó như những phương pháp phụ trợ để băng bó vết thương thôi. Cái chính là bạn phải biết uống đúng thuốc kìa. Và khi hết bệnh rồi thì hạnh phúc sẽ hiện ra thơm ngát một vùng. Và chính lúc này là lúc bạn đã tìm thấy viên ngọc quý giá trong túi áo của mình rồi…
Theo Vườn hoa Phật Giáo



Share on Google Plus

About Báo Tường Điện Tử Lớp 11A THPT Phạm Kiệt

0 nhận xét:

Đăng nhận xét